Home Tin tức Có một Đà Nẵng khó quên

Có một Đà Nẵng khó quên

0
Có một Đà Nẵng khó quên
Đà Nẵng những năm 1980

Hình ảnh thành phố biển miền Trung 30-40 năm trước được nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh trưng bày tại triển lãm ‘Đà Nẵng ký ức và hiện tại’.

Có một Đà Nẵng khó quên
Có một Đà Nẵng khó quên

Chiều 8/3, triển lãm ảnh Đà Nẵng ký ức và hiện tại đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Triển lãm với 52 tác phẩm, ghi lại cuộc sống của người dân thành phố biển từ những năm 1980.

Nhiều nhất là các bức ảnh chụp cảnh nhà chồ – đời sống tạm bợ của người dân nghèo trên sông Hàn và bờ biển Đà Nẵng. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, người dân vùng sông nước, đầm phá ở Huế, Quảng Nam dong thuyền về Đà Nẵng với hy vọng về cuộc sống mới nơi phố thị.

Người dân phải tìm mọi vật dụng bằng gỗ để dựng cột trên sông hoặc ven biển, nhặt nhạnh hoặc mua những mảnh tôn về làm vách, mái che, sàn nhà lát bằng ván ép hoặc ván gỗ.

Hình ảnh nhếch nhác, cuộc sống tạm bợ và công việc của những người ở nhà chồ gắn với sông nước, đàn ông chủ yếu chèo ghe đánh cá, đàn bà lội nước hoặc men theo những cây cầu khỉ đưa cá đi bán như những thước phim quay chậm về Đà Nẵng 30-40 năm trước.

Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền xuống bãi biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà để đánh bắt cá thập niên 80. Sau thời gian chỉnh trang đô thị, mở tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc, ngày nay biển Mỹ Khê là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Khắp những khu nhà chồ ven đường 3/2, quận Hải Châu và phía bờ đông, quận Sơn Trà là cảnh sống chung với ô nhiễm. Dòng nước phía dưới đen ngòm vì tất cả sinh hoạt hàng ngày đều xả thẳng xuống sông.

Những đứa trẻ nhà chồ ở quận Sơn Trà. Năm 2005, chính quyền thành phố đã di dời toàn bộ 350 hộ dân lên bờ, sắp xếp vào ở những căn chung cư để đảm bảo an toàn mỗi mùa mưa bão và trẻ nhỏ được đến trường.

Những căn nhà chồ ở bãi biển Thanh Bình, quận Hải Châu và Thanh Khê, cũng được xóa bỏ khi chính quyền thành phố làm đại lộ Nguyễn Tất Thành. Người dân được chuyển lên chung cư, trả lại bãi biển cho việc làm hạ tầng giao thông, tái thiết đô thị.

Tương tự, những bãi biển ven biển Đông trước đây chỉ là bãi cát gắn với đời sống ngư dân, nhưng nay đã trở thành những bãi tắm công cộng sạch đẹp, khách sạn cao cấp khi đại lộ Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa hoàn thành, nối thành phố biển với phố cổ Hội An.

Đà Nẵng bắt đầu thay da đổi thịt nhờ việc lãnh đạo cho xây dựng hàng loạt cầu bắc qua sông Hàn, xóa đi cảnh “con cái quận ba không bằng bà già quận nhất”. Để giúp người xem dễ so sánh đổi thay của thành phố, các bức ảnh chung góc chụp xưa và nay được ghép cạnh nhau.

Khu vực bờ tây sông Hàn, quận Hải Châu, những năm 1980 đã nhộn nhịp khi có chợ Hàn và đường sắt, nhưng chủ yếu là nhà thấp tầng, tàu bè neo sát đường Bạch Đằng, phà qua sông.

Nay nơi này đã có cầu sông Hàn bắc qua, đường sắt di dời, đường Bạch Đằng được chỉnh trang thành con đường ven sông đẹp nhất Đà Nẵng, những tòa nhà cao ốc mọc lên.

Ngã ba Huế, nút giao giữa quốc lộ 1A với đường sắt bắc nam, từng là nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông với người dân Đà Nẵng, nay đã được thay bằng cầu vượt ba tầng (khánh thành ngày 29/3/2015).

Đông đảo người dân Đà Nẵng, du khách đã đến dự triển lãm. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng, chỉ tay vào tác phẩm ghi lại toàn cảnh Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà.

Ông cho biết triển lãm ảnh lần này như gạch nối giữa Đà Nẵng của quá khứ với một thành phố hiện đại. “Đến với triển lãm này, chúng ta hãy hồi tưởng và suy ngẫm về những gì từng có để yêu quý và trân trọng những gì đang có”, ông Tiếng nói.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh, 69 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội nhiếp ảnh nghệ thuật TP Đà Nẵng, đã quyết định tặng toàn bộ 52 tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phục vụ trưng bày, giới thiệu đến du khách về thành phố từ quá khứ đến hiện tại.

Triển lãm kéo dài đến hết tháng 3, nhằm chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975).

Xem thêm:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here